Yêu cầu chung đối với công việc hàn hơi

Yêu cầu chung đối với công việc hàn hơi được quy định ra sao? Chào Ban biên tập, tôi là Thành Lâm, là sinh viên đang học tập tại Trường Cao đẳng nghề Việt Hàn, có thắc mắc tôi muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể là Yêu cầu chung đối với công việc hàn hơi được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định về vấn đề này? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!

Yêu cầu chung đối với công việc hàn hơi quy định tại Tiêu mục 2.2 Mục 2  Thông tư 41/2013/TT-BLĐTBXH về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn lao động đối với công việc hàn hơi do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, cụ thể như sau:

2.2.1.1. Việc chọn quy trình công nghệ hàn hơi ngoài việc phải đảm bảo an toàn cháy, nổ còn phải tính đến khả năng phát sinh các yếu tố nguy hiểm và có hại khác (khả năng bị chấn thương cơ khí, bụi và hơi khí độc, bức xạ nhiệt, đổ chai …), đồng thời phải có các biện pháp an toàn và vệ sinh lao động để loại trừ chúng.

2.2.1.2. Công việc hàn hơi có thể tổ chức cố định trong các nhà xưởng, ở ngoài trời hoặc tổ chức tạm thời ngay trong những công trình xây dựng, sửa chữa.

2.2.1.3. Khi tiến hành công việc hàn hơi tại những nơi có nguy cơ cháy, nổ phải tuân theo các quy định an toàn phòng chống cháy, nổ.

2.2.1.4. Khi tiến hành công việc hàn hơi trong các hầm, buồng, thùng, khoang bể kín phải đặt thiết bị axetylen, chai chứa axetylen và chai oxy ở bên ngoài; cử người nắm vững kỹ thuật an toàn giám sát và phải có biện pháp an toàn cụ thể, phòng chống cháy, nổ, ngộ độc và được người có trách nhiệm duyệt, cho phép. Thợ hàn phải đeo găng tay và sử dụng dây an toàn, dây an toàn được nối tới chỗ người giám sát.

- Phải thực hiện thông gió, với tốc độ gió từ 0,3 đến 1,5 m/s.

- Phải kiểm tra đảm bảo trong hầm, thùng, khoang bể kín không có hơi khí độc, hơi khí cháy nổ mới cho người tiến hành công việc hàn hơi.

2.2.1.5. Cấm hàn hơi ở các hầm, thùng, khoang, bể kín đang có áp suất hoặc đang chứa chất dễ cháy, nổ.

2.2.1.6. Sử dụng khí

2.2.1.6.1. Khi nối van chai chứa khí không khít thì không được dùng lực cưỡng bức. Ren của đầu nối bộ điều chỉnh nối hoặc các dụng cụ phụ phải phù hợp với đầu ra của van chai chứa khí.

2.2.1.6.2. Van chai chứa

- Van chai phải luôn luôn đóng (đầy hoặc hết) trừ khi chai chứa đang được sử dụng.

- Đầu ra của van không được hướng vào người khi đang mở.

- Phải đóng van khi ngừng sử dụng.

- Phải mở van chai từ từ.

- Van chai không có tay vặn phải có chìa vặn (chìa khóa) kèm theo và chỉ được dùng chúng để mở, chìa vặn (chìa khóa) phải để lại trên van trong lúc chai đang sử dụng.

- Đối với van có tay vặn không được dùng cờ lê, mỏ lết, búa hoặc dùng các dụng cụ khác để mở hoặc đóng van.

- Không được dùng lực mạnh để vặn van chai chứa.

- Liên hệ với nhà cung cấp khí nếu việc vận hành van gặp khó khăn. Không được tra dầu mỡ van chai.

- Van vận hành tự động phải được vận hành phù hợp với các chú dẫn.

- Không được sửa chữa van áp suất dư, đặc biệt là hộp kín, để tránh chai chứa khí hoàn toàn không còn khí.

2.2.1.6.3. Không được làm giảm áp suất dư trong chai chứa thấp hơn áp suất làm việc của hệ thống hoặc thấp hơn áp suất dư nhỏ nhất để ngăn dòng ngược của không khí hoặc các tạp chất khác thâm nhập vào trong chai. Van chai phải khóa để giữ áp suất dư trong chai nhỏ nhất trong khoảng từ 0,5 bar đến 2 bar.

2.2.1.6.4. Trước khi tháo bộ điều chỉnh áp suất khỏi chai chứa, phải khóa van chai và bộ điều chỉnh phải xả hết áp suất khí.

2.2.1.6.5. Bộ điều chỉnh, áp kế, ống mềm và các dụng cụ khác được cung cấp để dùng cho mỗi loại khí, không được sử dụng với chai chứa các khí khác.

2.2.1.6.6. Chỉ được sử dụng chai chứa khí ở vùng được thông gió.

Trên đây là nội dung câu trả lời về yêu cầu chung đối với công việc hàn hơi. Để hiểu  rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 41/2013/TT-BLĐTBXH.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào